Chàng võ sư trẻ và dặm trường vinh danh võ Việt
Chàng võ sư trẻ và dặm trường vinh danh võ Việt
Danh tiếng ấy đã vượt qua biên giới nước Nga, các võ sinh thuộc khối Liên Xô cũ cũng rục rịch kéo đến bái anh làm thầy. Trong số những võ sinh ấy, có cả những người là lãnh đạo cao cấp. Phạm Quang Long - những tháng ngày làm rạng danh võ Việt.
Chàng võ sư trẻ và dặm trường vinh danh võ Việt
Trình làng năm 1938 ở Hà Nội, nơi Vovinam - Việt Võ Đạo sinh ra còn ít người biết tới môn phái võ này. Thế nhưng, trên thế giới, Vovinam đã thành một “thương hiệu” võ thuật lớn với 40 liên đoàn ở 40 quốc gia khác nhau và đã có tới 200 nghìn môn sinh thường xuyên luyện tập.
Qua học võ ta, người Tây đã hiểu hơn về văn hóa, con người Việt Nam và những người xa xứ thì càng thấy gần gũi, yêu thương hơn đất nước quê mình. Phải thừa nhận rằng, đến thời điểm này, tâm nguyện của sáng tổ Nguyễn Lộc là truyền bá Vovinam đến khắp năm châu đã thành hiện thực. Thành công ấy, là mồ hôi, là nước mắt, là sự khổ tứ lao tâm của những môn đồ của ông, những người “dù xa muôn phương” vẫn đau đáu những lời tâm huyết của sáng tổ môn phái của mình. Trong số ấy, có những người rất trẻ. Võ sư Phạm Quang Long là một minh chứng điển hình.
Sinh năm 1970, chỉ vài năm, chàng võ sư tài danh ấy đã gây dựng nghiệp võ rất đỗi vẻ vang ở Nga và các nước Đông Âu và giờ thì lại đưa Vovinam quay về Hà Nội…
Tầm sư học võ
Năm 12 tuổi, theo gia đình chuyển vào TP Hồ Chí Minh Sinh sống, tại đây, căn duyên anh đã đưa anh đến với Vovinam, một môn võ đã nức danh ở Hà Nội từ trước cách mạng.
Năm 1987, tạm biệt Thành Phố Hồ Chí Minh, Phạm Quang Long lại theo gia đình về lại Hà Nội. Về lại mái nhà xưa, Vovinam vẫn được anh tiếp tục luyện tập. Và, một điều lạ lùng, đến bây giờ anh vẫn không thể lý giải nổi. Chính Vovinam đã đưa anh đến với điện ảnh và chính nhờ… điện ảnh thì Vovinam mới được anh phát dương huy hoàng như bây giờ. Thủa ấy, anh và đám bạn hay tụ tập luyện võ ở những bãi cỏ rộng trước đền Quán Thánh. Và, mỗi chiều, đi qua đó, gặp các anh luyện võ, thấy anh có khuôn mặt đẹp, Đạo diễn, NSƯT Trần Đắc đã khuyên anh thi vào trường Sân khấu điện ảnh bởi ông nghĩ, nếu thi vào đó, Điện ảnh Việt Nam sẽ có một ngôi sao võ thuật chẳng kém gì Trung Quốc.
Được nghệ sỹ ấy dìu dắt, Phạm Quang Long đã thi đỗ và khi vào học, anh thấy mình hợp với nghề đạo diễn hơn nên đã chuyển hướng. Ra trường, vừa làm phim, anh vừa mở võ đường để truyền dạy Vovinam. Và, cũng từ võ đường ấy, năm 1994, Câu lạc bộ Cascadeur đầu tiên ở Hà Nội đã được anh sáng lập. Còn nhớ lần đầu tiên tham gia đóng phim, những cascadeur ấy đã làm các nhà làm phim nước ngoài phục sát đất nhưng cũng làm cho những diễn viên Tây… sợ xanh mắt. Đó là phim Bông sen và quả chà là, do Điện ảnh Pháp, Việt Nam, Angieri hợp tác sản xuất. Phim có cảnh phục kích giữa lính Pháp và du kích Việt Nam. Vào “trận”, những du kích do cascadeur Hà Nội thủ vai đã… đánh như thật.
Chứng kiến cảnh trên, các đạo diễn thì rầm rập vỗ tay nức nở bảo, đánh thế thì không cần làm kỹ xảo gì thêm nữa. Còn các diễn viên trong vai lính Pháp thì bươu đầu mẻ chán, quẳng vũ khí… chạy thật.
Dựng nghiệp xứ người và trận đấu sinh tử
Với hoài bão sau này sẽ làm những phim lịch sử Việt Nam, trong đó có những pha võ thuật kinh điển, năm 1998, Phạm Quang Long khăn gói sang Nga và theo học tại trường điện ảnh Matxcova. Những ngày đầu ở xứ người là những ngày vô cùng vất vả. Để có tiền theo học, anh đã phải làm đủ nghề. Và, như bao người Việt khác, sang đây, anh lăn lộn kiếm sống ở chợ Vòm, một khu chợ nổi tiếng của những người Việt đang làm ăn sinh sống tại Nga. Tại khu chợ nhốn nháo ấy, nhiều phen, nhờ Vovinam mà anh mới thoát được hiểm nguy. Với cảnh “chạy chợ đầy rẫy bon chen” anh vẫn nung nấu quyết tâm quảng bá văn hoá Việt Nam thông qua võ thuật.
Tự mình loay hoay in tờ rơi, rồi cũng tự mình đi phát những tờ rơi ấy ở khắp các trường học ở Matxcova mà tất thảy mọi người vẫn còn vô cùng lạ lẫm với môn võ Việt. Thuê một phòng học thể thao tại một trường nội trú trong thành phố, mùa thu năm 1999, võ đường Vovinam- Việt Võ Đạo đã được anh trình làng. Hôm khai trương, mình anh vừa biểu diễn vừa thuyết trình những cái hay, cái đẹp khi theo học Vovinam trước rất đông những người Nga đến bởi tò mò hơn là hứng thú học võ. Và, cũng ngay hôm đầu tiên ấy, anh đã gặp họa.
Biết ở thành phố lại mọc thêm một võ đường của một chàng trai đến từ Việt Nam xa xôi, một võ sĩ người Nga gốc Chesnhia cũng có võ đường ở gần đó đã đến để gây sự. Anh này hung hăng và cùng các môn đệ là những tên đầu trọc đứng ra bảo kê cho mặt hàng hoa quả của cả thành phố. Khi thấy “miếng bánh béo bở” của mình đã bị kẻ khác xí phần, chờ ngày võ đường của “thằng nhãi da vàng” ấy khai trương, anh ta sẽ đến để… đóng cửa. Bởi thế, khi đang biểu diễn, vị võ sư nọ đã nhảy ngay ra võ đài và đòi thách đấu.
Không muốn có chuyện chẳng lành ngay ngày đầu ra mắt, Phạm Quang Long đã khước từ lời thách đấu ngang ngược ấy. Trước sự chứng kiến của mọi người, không thể làm bậy nên vị võ sĩ có thân hình hộ pháp kia đành hậm hực lui ra. Đêm, khi mọi người về hết, dọn dẹp xong, Long vội vã về trường để chuẩn bị cho buổi học ngày mai. Thế nhưng, ra đến cổng, anh đã giật mình khi thấy gã võ sư kia vẫn đứng chờ ở đó. Hắn nhìn anh bằng ánh mắt sát khí đằng đằng. Lần này thì phải đánh rồi. Tuy nghĩ thế nhưng anh vờ như không thấy và cứ lầm lũi đi trên tuyết trắng lạnh buốt. Qua chỗ gã võ sĩ ấy, dù đã thủ thế trước, nhưng anh vẫn phải… lĩnh chọn cú đấm như trời giáng. Chưa kịp định thần thì gã hộ pháp đó lại bồi thêm 2 cú thôi sơn. Long choáng váng, trước mắt nhập nhòe đủ loại hoa cà hoa sói. Sau những cú đấm thẳng tay ấy, gã dừng lại và bắt đầu chửi rủa. Đến nước ấy thì Long buộc phải ra tay. Dồn hết sức bình sinh, đòn tay, anh cứ nhè thẳng mặt đối thủ mà đánh tới. Thường ngày, những cú đánh ấy có thể bạt sơn phá thạch, thế nhưng, chẳng hiểu sao, đối thủ chẳng hề hấn gì. Vận hết sức lực mà hắn vẫn trơ trơ.
Khi Long thấy hai tay mình đau buốt, các khớp xương mỏi nhừ thì hắn lại phản đòn. Và, hắn đánh phát nào thì “ăn điểm” luôn phát đó. Mặt mũi Long tối sầm, chao đảo. Sau một sê- ri đòn tàn bạo ấy, Long bệt hẳn, mặt úp xuống tuyết. Thế nhưng, tuyết lạnh đã làm anh hồi tỉnh. Trong thời khắc ấy, những lời tâm huyết của sáng tổ Nguyễn Lộc mà bất kỳ môn đệ nào của Vovinam đều khắc cốt ghi tâm lại văng vẳng bên tai. Những lời của sáng tổ như tiếp thêm cho anh một sinh lực diệu kỳ. Long bật dậy cũng vừa lúc gã hộ pháp sấn sổ lao tới. Có lẽ hắn muốn kết liễu đời anh, hay chí ít là cũng đánh khiến anh tàn phế, do vậy, rú lên một tiếng nhức óc long tai, gã tung ra một cú nốc như búa bổ. Cú đánh ấy, rất may, Long nghiêng người tránh được.
Đấm trượt, gã hộ pháp chúi người ra phía trước. Lợi dụng sự sơ xảy ấy, Long dùng ống khuyển giáng liên tiếp vào bắp đùi gã. Bị đánh bất ngờ vào chỗ yếu, gã giống lên như bò bị chọc tiết rồi chao đảo chực ngã. Lùi lại, dồn tất cả sức lực vào đôi chân, bằng thế võ tinh túy nhất của Vovinam là đòn bay người dùng chân vặn cổ, Long nhao tới như tia chớp. Cú đá và bẻ sở trường ấy đã làm gã hộ pháp đổ ụp xuống tuyết như cây chuối. Hạ đối thủ xong, Long gọi xe cứu thương cho gã rồi liêu xiêu bước về.
Phát dương võ Việt
Sau trận đấu ấy, Long phải đóng cửa võ đường mấy tuần lễ để ở nhà điều trị vết thương. Khi đã bình phục, võ đường lại tiếp tục hoạt động trở lại. Thế nhưng, chỉ ba ngày sau, gã hộ pháp kia lại tới. Lần này hắn dẫn theo hai viên cảnh sát Nga, một người là Cảnh sát khu vực, người còn lại là Cảnh sát hình sự quận Tây Nam Matxcova. Hai viên cảnh sát ấy vốn là môn đệ của gã hộ pháp. Không đấu được Long, gã dẫn đến để hù dọa về hai tội đánh người gây thương tích. Sau khi nghe anh trình bày tất cả mọi chuyện, hai nhân viên cảnh sát có vẻ hiểu ra nên đã cáo lui.
Thế nhưng, tối ấy, vừa về đến nhà, thì hai viên cảnh sát lại gõ cửa. Cứ nghĩ họ đến để tiếp tục chất vấn mình, thế nhưng không phải. Trên tay cầm một chại rượu ngon, viên cảnh sát hình sự có tên là Sasa bẽn lẽn bảo: “Khi thấy anh ở võ đường, chúng tôi rất khâm phục. Không ngờ anh nhỏ bé thế mà hạ được cả thầy chúng tôi. Chúng tôi đến đây chỉ mong muốn một điều rằng xin anh hãy nhận chúng tôi làm đệ tử!”. Trước sự nhiệt tình ấy, Long đã vui vẻ nhận lời. Suốt đêm đó, câu chuyện về võ học ba người rỉ rả nói với nhau cho tới khi trời sáng.
Bái Long làm sư phụ được ít lâu, thấy Vovinam có tính chiến đấu rất hợp với Cảnh sát hình sự, Sasa đã giới thiệu anh với ông cảnh sát trưởng quận Tây Nam để anh dậy võ cho anh em cảnh sát trong quận. Và, tận mắt thấy Long biểu diễn, ông cảnh sát trưởng đã rất hài lòng. Ông mời thẳng Long đến trụ sở để làm giáo viên võ thuật với những khoản đãi như là thượng khách. Từ Công an quận Tây Nam, danh tiếng của Phạm Quang Long đã nổi như cồn. Và, anh đã có những lời mời đến công an các quận, thành phố của Nga để dạy võ.
Một năm sau, danh tiếng ấy đã vượt qua biên giới nước Nga, các võ sinh thuộc khối Liên Xô cũ cũng rục rịch kéo đến bái anh làm thầy. Trong số những võ sinh ấy, có cả những người là lãnh đạo cao cấp. Trước nhu cầu ấy, Phạm Quang Long quay về võ đường cũ và tại đây Vovinam đã có những tháng ngày làm rạng danh võ Việt.
Đến giờ, theo Phạm Quang Long, ở Nga và một số nước Đông Âu, anh đã thành lập những Liên đoàn Vovinam- Việt Võ Đạo và số môn sinh đã lên tới con số trên 5.000 người. Thành công ở nước ngoài, giữa năm 2005, Phạm Quang Long quay về Hà Nội. Anh muốn gây dựng lại tiếng tăm của Vovinam ở ngay chính nơi mà nó đã sinh ra. Việc ấy, trước đây, nhiều bậc tiền bối đã không làm được.
Sau gần 2 năm vất vả, đến giờ, Vovinam đã phát triển rộng khắp tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.Cuối năm 2006 anh lại tất bật viết kịch bản phim tài liệu phóng sự về Vovinam và cùng nhóm làm phim của VTV3 đài truyền hình Việt Nam đi khắp Hà Nội và Hà Tây chỉ đạo thực hiện các cảnh quay sao cho thật hoành tráng, chạy đôn đáo khắp nơi xin phỏng vấn các đồng chí lãnh đạo của chính phủ và UBTDTT để cho bộ phim kịp hoàn thành phát đúng vào chiều mồng 1 tết.
Phạm Quang Long bảo, khi làm xong sứ mệnh với môn phái, anh sẽ quay lại với điện ảnh. Anh vẫn muốn làm những bộ phim lịch sử với những pha võ thuật kinh điển mà từ lâu anh ao ước.
Bình luận
Tin cùng địa điểm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn